Facebook
Google
Twitter
Skype
Top

Càng siết tách thửa, dân càng gom đất mạnh

Động thái siết chặt quản lý phân lô, tách thửa của Tp.HCM khiến nhiều nhà đầu tư vội vã bước vào cuộc chiến săn tìm đất vì lo ngại nguồn cung đất nền sẽ hạn chế trong thời gian tới.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM vừa ra văn bản hướng dẫn các quận huyện về việc tách thửa theo quyết định 60. Trong đó có quy định khu đất chỉ được thực hiện các thủ tục tách thửa sau khi người sử dụng đất hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và được cơ quan chức năng nghiệm thu, tiếp nhận. Các quận huyện phải khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 các khu đất quy hoạch có chức năng đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, kể cả đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở thuộc các trường hợp được tách thửa theo quyết định 60.
 

Văn bản hướng dẫn cũng nêu cụ thể các trường hợp xin tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong thời gian chờ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.
 

Được biết, văn bản hướng dẫn nêu trên sẽ được áp dụng thống nhất cho 24 quận huyện, giúp quản lý chặt quy hoạch và kiểm soát việc tách thửa, ngăn chặn xảy ra những hệ lụy như trước đây. Văn bản này được nhiều chuyên gia nhận định sẽ siết chặt quy trình phân lô và khiến nguồn cung đất nền trên thị trường tiếp tục khan hiếm.
 

Nhà đầu tư găm hàng, người dân đi săn đất

 

Lo ngại nguồn cung khan hiếm, nhiều nhà đầu tư và người mua thực bắt đầu công cuộc săn hàng ngay từ thời điểm này trong khi các doanh nghiệp nắm quỹ đất mới và nhiều chủ đất lại hoãn kế hoạch bung hàng nên sản phẩm trên thị trường càng khan hiếm.
 

Ông Tăng Chí Thiện, đại diện một công ty BĐS tại quận 9 cho biết, theo đúng kế hoạch thì cuối quý II bên ông sẽ phân phối ra thị trường 2 dự án đất nền phân lô. Tuy nhiên, với quy định mới này, rất có thể kế hoạch sẽ dời lại đến cuối năm vì phải chờ  xây dựng hạ tầng mới xin tách thửa được. “Hầu hết các dự án đều đã hoàn thành pháp lý, tuy nhiên chưa xin được giấy phép tách thửa trong khi hạ tầng giao thông vẫn chưa triển khai xong nên chắc sẽ phải đợi được duyệt mới tính chuyện bán hàng”, ông Thiện phân bua.
 

Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều chủ đất đã hoàn thiện tách thửa cũng quyết định găm sản phẩm. Một CĐT dự án tại Nhà Bè cho biết, anh đã hoàn tất thủ tục xin tách thửa và chuẩn bị bán hàng nhưng bây giờ đang xem xét lại kế hoạch. Rất có thể anh vẫn bán ra trong quý II này nhưng với số lượng nhỏ để xem phản ứng thị trường, nếu giá tăng tốt thì mới bung hàng bán tiếp.
 


Việc Tp.HCM siết tách thửa, phân lô bán nền càng khiến giới săn
đất ráo riết gom sản phẩm. Ảnh minh họa: infonet

 

Theo khảo sát của Batdongsandanang.net.vn , trên địa bàn khu Đông và khu Tây, khá nhiều dự án nhỏ đang phân lô bán nền vẫn treo bảng chào bán. Tuy nhiên khi được hỏi thì hầu hết môi giới nói chỉ nhận đặt chỗ, chưa ra hợp đồng và cũng chưa có giá bán chính thức.
 

Nhìn chung các lô đất dạng này hầu như chưa triển khai hạ tầng, chủ đất mới chỉ phân lô chưa hoàn thiện ra sổ cho từng nền. Với những khách có nhu cầu mua ngay, các môi giới cũng cho biết chưa thể làm hợp đồng vào thời điểm hiện tại và chỉ chấp nhận cho giữ chỗ.
 

Việc chủ đầu tư dừng mở bán lại càng khiến giới săn đất nóng vội hơn trong giao dịch. Một số lô đất dự án đã hoàn thiện chào bán đắt khách hơn hẳn. Người mua nhà xuống tiền làm hợp đồng góp vốn, nhận đặt chỗ gia tăng thấy rõ. Lượng nhà đầu tư đổ về gom đất ngày càng đông, bất chấp các nền đất vẫn chưa hoàn thiện pháp lý.
 

Theo ông Phạm Minh Ánh, lãnh đạo một sàn môi giới khu Đông, với chính sách mới thì khá nhiều dự án sẽ chưa thể hoàn thiện pháp lý và bán hàng trong 2-3 quý tới. Vì vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung dự án mới năm nay sẽ không dồi dào bằng, quy mô dự án cũng nhỏ hơn và giá cũng sẽ cao hơn. Nguồn cung hạn chế, nhu cầu ngày càng tăng sẽ khiến giá đất tăng lên. Nhiều người có tâm lý đón đầu sóng tăng giá, tranh thủ gom đất, mua đất ngay từ thời điểm này cũng vì sợ tâm lý đó.
 

Giá đất lại bắt đầu tăng

 

Thực tế cho thấy giá đất nền đang có dấu hiệu tăng ngay sau Tết. Tại quận 9, khu vực nóng về đất như Long Trường, Trường Lưu, Phú Hữu, Phước Long B giá đất đã nhích thêm từ 5-10% ở thị trường sơ cấp và 15-20% tại thị trường thứ cấp. Khu Nam Tp.HCM như Tân Thuận Đông, Tân Phong quận 7, Long Thới, Phú Xuân, Phước Kiểng, Nhà Bè, giá đất tăng từ 7-10% tại thị trường sơ cấp và 20% ở thị trường thứ cấp.
 

Cụ thể, một số dự án đang chào bán sơ cấp tại quận 9 và Thủ Đức như Centana Điền Phúc Thành giá từ 22-23 triệu/m2 hiện lên 23-25 triệu/m2, nhiều nền đất thứ cấp tăng 25,5-26 triệu/m2; Dự án KDC Trường Lưu, giá đất từ 21-22,5 triệu/m2 tăng lên 23-24,5 triệu/m2; KDC đường Liên Phường nhiều lô giá từ 21 triệu/m2 tăng lên 22,5 triệu/m2; các lô từ 25-27 triệu/m2 hiện rao bán 25,5-29,5 triệu/m2. Đất nền thuộc dự án tại Sở văn hóa thông tin quận 9 có giá từ 39-44 triệu/m2 hiện lên mức 41,5-46 triệu/m2. KDC Phú Nhuận - Phước Long B giá đất từ 30,5 triệu/m2 đã tăng lên 31,5 triệu. Tất cả đều tăng mạnh, ít thì từ 500 nghìn - 1 triệu, nhiều thì từ 2-3 triệu/m2 chỉ sau 2 tuần.
 

Tại khu Nam, các dự án hạ tầng hoàn thiện thuộc khu vực Phước Kiểng cũng tự động nâng giá từ 1-1,5 triệu/m2. Nhiều lô đất thuộc khu Đào Trí, Nguyễn Lương Bằng hồi tháng 2 còn chào bán giá 32-55 triệu/m2 hiện đã điều chỉnh lên mức 33,5-57 triệu/m2. Khu vực Nguyễn Văn Tạo, Lê Văn Lương các lô đất 15-20 triệu/m2 hiện đều lên 17-22 triệu/m2, các lô giá trị cao từ mức 25-30 triệu/m2 thì tăng mạnh hơn, lên mức 27-35 triệu/m2 chỉ trong 2 tuần.
 

Anh Trần Văn Mạnh, một môi giới sàn quận 7 cho biết, đất nền khu vực quận 7, Nhà Bè từ 2 tuần nay giao dịch khá mạnh. Khách có nhu cầu mua từ 2-3 nền tăng cao, gồm cả mua đầu tư và mua để ở. Các khách hàng đều có tâm lý sợ CĐT sẽ tăng giá đất tại dự án mới khiến giá quanh khu vực tăng theo nên tranh thủ mua sớm. Động thái mua vào ồ ạt này vô hình chung khiến nhiều dự án được thể ăn theo, tăng giá vô tội vạ. Với nhiều giao dịch bán đất thứ cấp, giá đã bắt đầu tăng từ 2-3 triệu/m2, đây là mức tăng quá nhanh nếu chỉ sau có 1 tháng.

Phương Uyên

(Theo Enternews.vn)